Khắc phục lúa xuân bị vàng lá sinh lý

Hiện nay, đa số diện tích lúa chiêm xuân ở các địa phương đã bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa đòng, cây lúa khỏe mạnh và dự kiến sẽ trỗ tập trung trong nửa đầu tháng 5.

Nông dân thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương) nhổ một dảnh lúa xuân bị vàng lá sinh lý

Tuy nhiên, một số diện tích đang bị bệnh vàng lá sinh lý khiến bà con nông dân lo lắng và cho rằng bệnh đạo ôn gây hại nên muốn mua thuốc phun trừ.

Triệu chứng:

Cây lúa có nửa cuối của 1 hoặc cả 2 lá gần nõn chuyển màu vàng và phần chóp bị khô trắng. Bộ rễ không đen nhưng kém phát triển, thấp cây và lá ngắn - biểu hiện đặc trưng của đói dinh dưỡng. 

Đặc điểm và nguyên nhân:

Phát sinh đều cả ruộng, từng đám hoặc theo mặt luống hành cũ và chủ yếu tập trung trên các giống ngắn ngày như BTS7, tám xoan ĐB, KM18... thuộc những chân ruộng đang bị khô, vốn dĩ không có điều kiện chăm bón kịp thời về dinh dưỡng và nước hoặc mất chủ động về tưới tiêu. Triệu chứng diễn ra sau khi có bệnh đạo ôn mãn tính trên địa bàn và những hình ảnh về thiệt hại của bệnh đạo ôn qua các phương tiện thông tin đại chúng, loại bệnh nguy hiểm mà lâu nay mới gặp lại. Triệu chứng này do các yếu tố thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp và thất thường, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, trong khi cây lúa đang ở giai đoạn mẫn cảm cao với sự bất thuận của thời tiết và dinh dưỡng. 

Biện pháp khắc phục:

Đề nghị các địa phương, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền tập huấn để bà con nông dân nhận diện được triệu chứng của bệnh vàng lá sinh lý. Từ đó có các tác động tích cực theo phương châm đáp ứng đầy đủ và kịp thời các yếu tố dinh dưỡng. Cụ thể: Bơm đủ nước vào ruộng, sau đó tùy theo mức độ diện tích vàng ít hay nhiều mà rắc liền tay mỗi sào 1 - 2kg urê và 2 - 3 kg kali clorua, bảo đảm lượng nước thường xuyên trong ruộng ở mức từ 2 - 3 cm cho đến khi trỗ thoát. Đồng thời, dùng phân bón lá cao cấp đầu trâu 502 hoặc phân bón qua lá Kb99 sông Gianh, loại gói 10 g; lượng dùng, pha 1 gói với 12 lít nước phun đều cho từ 6 - 8 thước ruộng.

Chú ý: Phun 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 3 - 4 ngày, phun vào chiều mát, lúc không mưa.

KS. Nguyễn Hữu Vân/ Báo Hải Dương
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment