Tự làm chế phẩm sinh học diệt rầy

Việc sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy đều không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc BVTVnào nên các loài thiên địch phát triển mạnh.

Hiệu lực trừ rầy của chế phẩm sinh học trong vụ ĐX với mật độ rầy từ 450 - 550 con/m2, đạt 61,78%, vụ HT với mật độ rầy từ 250 - 400 con/m2, đạt 55,07%.

Nghệ An hằng năm gieo trồng 2 vụ lúa với khoảng 180.000 ha lúa nước nên việc phòng trừ các đối tượng gây hại trên lúa như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng luôn được quan tâm hàng đầu.

Rầy không chỉ gây hại trực tiếp cho cây lúa mà còn là vật trung gian truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam (hiện chưa có thuốc đặc trị).

Từ trước đến nay, để phòng trừ rầy bảo vệ lúa, các địa phương đều phải sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại. Vì thế ngoài việc diệt trừ đối tượng gây hại, thuốc BVTV hóa học còn tiêu diệt luôn cả thiên địch có lợi trên đồng ruộng và gây ô nhiễm môi trường, dư lượng tồn dư trong sản phẩm còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi.

Trước tình hình đó, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu ứng dụng thành công thuốc BVTV bằng CNSH từ loài nấm xanh (hay còn gọi là nấm Lục Cương, nấm cứng xanh) thuộc ngành nấm bất toàn, bộ nấm Đĩa (Melanconiales), họ nấm Đĩa (Melanconiaceae), có tên khoa học là Metarhizium anisopliae var. Trong đó, một số tỉnh, TP như Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang... đã dùng nấm xanh phòng trừ rầy cho hiệu quả cao và hiện đã nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.

Tại Nghệ An, từ năm 2011 đến nay, để hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng nấm xanh phòng trừ rầy hại lúa theo hướng sinh học, an toàn, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên & môi trường rừng (Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An) đã đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và triển khai nghiên cứu ứng dụng nấm xanh và bước đầu đạt được kết quả.

Trong năm 2011, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu nhân nuôi nấm xanh. Từ mẫu rầy bị bệnh nấm xanh thu thập được ngoài đồng ruộng, Trung tâm đã phân lập và tuyển chọn được giống thuần (giống gốc Na1).

Từ đó, nhân nuôi nấm sinh khối trên môi trường cấp II, cấp III bằng một số công thức môi trường khác nhau, nhờ đó đã lựa chọn được hai môi trường nhân nuôi nấm xanh đảm bảo chất lượng tốt.

Năm 2012 và 2013, Trung tâm chính thức đưa chế phẩm Metar-Na ra đồng ruộng khảo nghiệm trên cả 2 vụ ĐX và HT tại huyện Hưng Nguyên với liều lượng 3 kg + 320 lít nước/ha và phun 2 lần/vụ. Phun lần 1 vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, phun lần 2 vào giai đoạn lúa đòng già khi rầy tuổi nhỏ (tuổi 1 - 3). Hiệu lực trừ rầy trong vụ ĐX với mật độ rầy từ 450 - 550 con/m2, đạt 61,78%, vụ HT với mật độ rầy từ 250 - 400 con/m2, đạt 55,07%.

Qua nghiên cứu, SX và ứng dụng thực tế trong 3 năm qua, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên & môi trường rừng Nghệ An đã xây dựng được quy trình SX nấm xanh đơn giản, rẻ tiền, sẵn có, rất phù hợp với hộ gia đình, nhóm hộ, HTX... Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương ứng dụng quy trình tự làm nấm xanh để quản lý rầy hại lúa.

Trung tâm tiếp tục khảo nghiệm chế phẩm Metar-Na trên diện rộng, tại hai huyện Đô Lương và Quỳnh Lưu. Nhưng tăng liều lượng nấm lên 4 kg + 400 lít nước/ha. Kết quả, hiệu lực trừ rầy tại mô hình xóm Toàn Mỹ, xã Hòa An, huyện Quỳnh Lưu (mật rầy từ 1.500 - 2.600 con/m2) đạt 74,98%; tại mô hình xóm 7 xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (mật độ rầy từ 1.400 - 2.900 con/m2) đạt 78,14%.

Điều đáng mừng là vụ ĐX 2013 trên diện tích đã khảo nghiệm không có rầy xuất hiện. Bước sang vụ HT mật độ rầy có phát sinh rải rác, nhưng nơi cao nhất cũng chỉ từ 17 - 155 con/m2.

Từ các mô hình khảo nghiệm trên, nhưng Trung tâm đã điều chỉnh theo hướng giữ nguyên liều lượng chế phẩm 3 kg/ha + 400 lít nước, phun bằng bình bơm tay đeo vai để phun chế phẩm kỹ hơn tăng khả năng tiếp xúc của nấm với rầy để tăng hiệu quả trừ rầy lên mức cao hơn.

Tại các mô hình khảo nghiệm chế phẩm được sử dụng đều dạng nấm tươi (khi hoàn thành quá trình nuôi cấy, đủ tiêu chuẩn là đem sử dụng - nuôi trong túi nilon từ 10 - 14 ngày sau khi cấy giống gốc) nên có ưu điểm là khả năng gây bệnh cho rầy nhanh, mạnh, nhất là khi điều kiện thời tiết phù hợp.

Điều đáng mừng là việc sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy hại lúa tại các mô hình đều không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc BVTV nào nên các loài thiên địch trên ruộng mô hình như nhện ăn thịt (Lycosa pseudoannulata), nhện lùn (Atypena formosana); bọ rùa đỏ (Micraspis sp), bọ rùa vàng (M.crocea), bọ rùa 6 chấm (Menochilus sexmaculatus), bọ rùa 8 chấm (Harmonia octomaculata); nhóm bọ xít có bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis), bọ xít nước (Mesovelia vitigera, bọ xít nước gọng vó (Limnogonus fossarum)... phát triển mạnh đã góp phần tích cực vào việc tiêu diệt làm giảm mật độ rầy trên đồng ruộng và trở thành "những người bạn hữu ích của nhà nông".

Nguyễn Văn Hội/ nongnghiep.vn
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment