Ủ phân hữu cơ

Bón phân chuồng cho cây trồng tốt nhất nên bón lót, không nên bón thúc hoặc rải bề mặt luống dễ làm mất phân và cây trồng khó hấp thu được.

Qua theo dõi thực tế ở nhiều vùng SX rau màu tại miền Bắc, nông dân do không chăn nuôi hoặc đã xử lý chất thải (làm biogas) nên không tích lũy được phân chuồng để bón ruộng. Họ tìm đến các trang trại nuôi gà để mua phân. Song, hầu hết các chủ trang trại đều dọn chuồng và tích phân trong các vỏ bao cám sẵn có.


Cho nên, nông dân sau khi mua phân về, tiện thể họ đựng luôn trong bao dứa như vậy rồi chất chồng các bao lên nhau thành đống.

Nhà thì sơ sài để phân dầm mưa dãi nắng cho nhanh tơi xốp. Có hộ lại cẩn thận quá hóa sai, dùng ni lông bọc kín đống các bao phân vừa để đỡ mùi hôi thối, vừa để “giữ” được dinh dưỡng trong phân.

Trước thực trạng này, xin khuyến cáo bà con một số biện pháp sau:

- Trước hết bà con cần nắm rõ, để tốt cho cây trồng, phân chuồng cần được ủ hoai mục. Vì phân được ủ, hạt cỏ dại, mầm mống bệnh cây và côn trùng sẽ bị tiêu diệt, vừa thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hoá để khi bón vào đất phân hữu cơ có thể nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

- Muốn cho quá trình phân giải của phân chuồng được diễn ra nhanh và hiệu quả lại dễ áp dụng trong điều kiện nông hộ, phải đảm bảo đủ 3 yếu tố: Nhiệt độ, ẩm độ và oxy. Trong đó, ẩm độ và oxy có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đống phân sau này.

Nếu đủ ẩm (60 - 70%) và có oxy lưu thông được vào đống phân - phân không nén, các chất độc phân giải được thoát ra ngoài, quá trình phân giải của phân nhanh hơn, nên nông dân sớm có phân hoai mục bón ruộng (1 - 1,5 tháng).

Ngược lại, nếu môi trường trong đống phân yếm khí (thiếu oxy) - nén phân, vi sinh vật có ích ít hoạt động, phân sẽ phân giải chậm hơn.

Nông dân phải chờ thời gian kéo dài (5 - 6 tháng) mới có phân hoai mục để bón. Tuy nhiên, cách đánh đống không nén phân thì lượng đạm sau khi phân giải thành NH3 (nhẹ hơn không khí) sẽ dễ bị bay hơi mất.

- Để thúc đẩy cho phân chuồng phân giải nhanh hơn và không bị mất nhiều đạm nên trộn vào đống phân một lượng vôi tả từ 1 - 1,5% và khoảng 2% lân supe. Đồng thời phủ lên đống phân một lớp bùn dày 2 - 3 cm để đạm bay hơi sẽ tích tụ vào bùn.

Mặt khác, việc dùng bùn để chát sẽ giúp cho oxy lưu thông được vào phân tốt hơn. Các chất độc sản sinh ra trong quá trình phân giải các chất hữu cơ cũng thoát được ra ngoài dễ dàng...

-Tuyệt đối không được dùng ni lông che phủ hay rơm rạ hoặc đựng trong bao dứa để ngoài tự nhiên như nông dân thường làm sẽ không tốt cho đống phân ủ.

Nguồn phân gà là nguồn phân giàu đạm nhất trong các loại phân chuồng (lượng đạm nguyên chất chiếm 1,63%). Do đó, muốn giữ được lượng đạm quý hiếm này, nông dân cần mua phân ngay sau khi chủ hộ chăn nuôi vừa quét dọn chuồng rồi đem về nhà đổ dồn đánh đống.

Do lượng đạm nguyên chất cao, các chất dinh dưỡng trong cám theo phân ra ngoài vẫn còn nhiều nên thời gian ủ phân gà cần phải lâu hơn các loại phân khác. Thông thường, nếu áp dụng cách ủ không nén phân, không sử dụng men ủ và đảo 1 lần/tháng thì thời gian ủ tối thiểu phải từ 2 - 2,5 tháng mới cho phân hoai mục.

Không bón phân tươi hoặc phân chuồng đang phân hủy sẽ làm cho cây dễ bị ngộ độc hữu cơ và chết.

Khi dỡ đống phân ra để bón ruộng cần đập nhỏ lớp bùn, đảo đều vào phân rồi đem đi bón. Vì đạm bay hơi ra sẽ tích tụ lại bùn.

Bón phân chuồng cho cây trồng tốt nhất nên bón lót, không nên bón thúc hoặc rải bề mặt luống dễ làm mất phân và cây trồng khó hấp thu được.

Trần Thị Liên/ nongnghiep.vn
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment