Dấu hiệu nhận biết lợn bị dịch tả

Các triệu chứng và bệnh tích đặc trưng khi lợn mắc phải dịch tả mà bà con nông dân cần chú ý.

Trong số báo trước, chúng tôi đã thông tin về các tác nhân gây bệnh dịch tả lợn, nguồn bệnh và quá trình lây.

Số báo kỳ này chúng tôi tiếp tục thông tin về triệu chứng và bệnh tích khi lợn mắc phải dịch tả, giúp người chăn nuôi có thể nhận biết và chủ động trong chăn nuôi.

Đàn lợn bị bệnh dịch tả.

Về triệu chứng, thời gian nung bệnh ở vật nuôi từ 3-7 ngày và bệnh có thể xuất hiện ở 1 trong 3 thể là thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

Thể quá cấp tính còn gọi là bệnh dịch tả lợn trắng. Bệnh xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng ban đầu, vật nuôi có hiện tượng ủ rũ, bỏ ăn và sốt cao 41-42 độ C, giẫy giụa rồi chết khá nhanh trong vòng 24-48 giờ. Diễn biến bệnh trong vòng 1-2 ngày, tỷ lệ chết lên tới 100%.

Ở thể cấp tính, lợn cũng biểu hiện ủ rũ, kém ăn, bỏ ăn và cũng sốt cao như thể nêu trên kéo dài đến lúc gần chết, mắt viêm đỏ có dử, nước miếng chảy, miệng loét phủ bựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; lợn thường bị khó thở, ói mửa, nhịp thở rối loạn. Lúc đầu lợn bị táo bón, sau đó tiêu chảy phân bết vào mông, đuôi mùi thối khắm thậm chí còn kèm theo cả máu tươi.

Ở một số vị trí như tai, mõm, bụng và 4 chân xuất huyết lấm tấm. Vào cuối thời kỳ bệnh, lợn bị bại2 chân sau đi loạng choạng hoặc không đi được. Nếu ghép với các bệnh khác thì các triệu chứng trên trầm trọng hơn.

Biểu hiện ở thể mãn tính, lợn tiêu chảy gầy yếu, lợn bệnh chết do kiệt sức, lợn có thể khỏi bệnh nhưng vẫn mang virus.

Bệnh tích ở thể cấp tính lợn bị bại huyết, xuất huyết nặng ở các cơ quan nội tạng, hạch amidan xuất huyết, niêm mạc miệng, lưỡi tụ máu, dạ dày bị tụ huyết, có nốt loét ở đường tiêu hóa, ở van hồi manh tràng xuất huyết có những vết loét hình cúc áo...

Bệnh tích ở thể bệnh mãn tính phần ruột có những vết loét lõm sâu, bờ cao phủ bựa vàng và phổi có thể bị viêm dính vào lồng ngực.

Khi lợn mắc bệnh thường ghép với một số bệnh khác nên triệu chứng và bệnh tích có thể thay đổi tùy theo ghép với bệnh nào.

Thêm nữa, do đã tổ chức tiêm phòng vaccine nhiều năm nên nhiều trường hợp không phát hiện đầy đủ các bệnh tích điển hình nêu trên.

Để xác định bệnh một cách chính xác cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm do cán bộ thú y trực tiếp lấy mẫu.

Trần Phượng/ Dân Việt
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment