Qui trình kỹ thuật tạm thời quản lý tổng hợp bệnh Phytophthora và bọ xít muỗi hại ca cao

Hiện nay, hai bệnh này có xu hướng phát triển và gây hại trên nhiều diện tích ca cao, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng ca cao. Để giúp nông dân tăng cường quản lý hai loại dịch hại này, Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn Qui trình tạm thời để nông dân áp dụng.

Ảnh minh họa

Đối với bệnh Phytophthora

Nguyên nhân gây bệnh là do nấm Phytophthora gây ra, ngoài cây ca cao, nấm này còn gây hại nhiều loại cây trồng khác như dừa, điều, cao su, sầu riêng. Triệu chứng gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ca cao, hại nặng trên quả làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng ca cao. Trên thân, cành, vết bệnh xuất hiện sậm màu, hơi ướt, sau chuyển sang màu nâu đỏ. Vỏ cây bị bệnh nứt ra và chảy nhựa màu vàng. Vết bệnh lan dần ra khắp thân và xâm nhập sâu vào phần gỗ. Cây bệnh nặng có thể héo và rụng lá, thân cành bị khô và chết cây. Trên lá, vết bệnh ban đầu xuất hiện trên mép và chóp lá, màu xanh tái, hơi ướt, sau lan rộng vào phía trong phiến lá rồi chuyển dần thành màu nâu, lá bị cháy khô từng mảng. Trong điều kiện ẩm ướt trên bề mặt vết bệnh có lớp nấm màu trắng. Trên quả, ban đầu xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu, sau vết bệnh phát triển rất nhanh và chuyển sang màu đen. Các vết bệnh có thể liên kết bao kín bề mặt quả to gây thối quả, hạt lép, quả có thể bị rụng. Đặc điểm phát sinh gây hại là nấm gây bệnh có nguồn gốc trong đất, bào tử có khả năng phát tán mạnh nhờ gió, nước, cơ giới. Bệnh thường gây hại nặng vào mùa mưa, khi độ ẩm không khí cao, vườn cây rậm rạp, ẩm thấp, đọng nước.

Đối với bọ xít muỗi Helopeltis sp

Đặc điểm sinh thái, bọ xít muỗi Helopeltis sp có hình giống con muỗi nhưng kích thước lớn hơn. Cơ thể màu vàng nâu hoặc xám nhạt, dài khoảng 4-5mm, râu đầu rất dài, màu nâu, con cái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn con đực trưởng thành. Trứng được đẻ rải rác hoặc từng cụm 2-4 quả trên đọt non, gân lá, quả; trứng nằm sâu trong biểu bì, để lộ ra 2 sợi lông dài. Ấu trùng bọ xít muỗi có màu xanh - vàng nhạt, hình thái gần giống trưởng thành nhưng di chuyển chậm. 

Triệu chứng gây hại: Bọ xít muỗi dùng vòi chích vào chồi non, lá non, cành non, cuống hoa và quả để hút nhựa. Vết chích lúc đầu có màu xám, sau bị thâm đen. Các bộ phận non bị chích thường héo khô đen, quả bị chích có nhiều vết thâm đen và phát triển dị dạng. 

Bọ xít muỗi trưởng thành và bọ non đều chích gây hại nhưng bọ non gây hại nhiều hơn bọ trưởng thành vì chúng ít di chuyển và tập trung trên từng cây hoặc một số cây liền nhau. Bọ xít muỗi thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát, buổi trưa trời nắng, chúng ít hoạt động mà ẩn nấp dưới tán lá, những ngày trời âm u, chúng hoạt động cả ngày. Bọ xít muỗi thường phát sinh mạnh và gây hại nặng trong mùa mưa, vườn rậm rạp, cây che bóng quá dày.

Biện pháp quản lý tổng hợp bệnh Phytophthora và bọ xít muỗi hại ca cao

Biện pháp canh tác có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế bệnh thối quả và bọ xít muỗi gây hại. Cần đặc biệt quan tâm áp dụng đồng bộ các giải pháp sau: 

- Đối với đất trồng, chọn đất có khả năng thoát nước tốt, vườn trồng cần được tạo rãnh thoát tránh đọng nước trong mùa mưa. Duy trì thảm cỏ, trồng cây che phủ hoặc các vật liệu thật thích hợp để che phủ nhằm cải tạo sinh thái đất, đồng thời làm nơi cư trú của thiên địch, chống xói mòn, giữ ẩm cho đất trong mùa khô. 

- Sử dụng giống chịu mặn, như TD3, TD6, TD7, TD8, TD9, TD10… Các dòng ca cao TD5, TD14 nhiễm nặng bệnh Phytophthora. 

- Mật độ trồng phù hợp theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, nhất là khi trồng xen với các loại cây trồng khác cùng là ký chủ của nấm Phythophthora và bọ xít muỗi. 

- Bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh kết hợp chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm. Không bón thừa đạm, tăng lượng kali để tăng sức đề kháng của cây đối với sâu bệnh; không sử dụng chất kích thích khi cây đang bị bệnh. 

- Tỉa cành tạo tán, vào đầu mùa mưa cần tiến hành tỉa cành tạo tán, cắt bỏ cành quá thấp để vườn thông thoáng. Chú ý, vào thời kỳ độ ẩm cao hạn chế tối đa gây vết thương cho cây để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Cần quét vôi quanh gốc 2 lần/năm, phạm vi quét cao khoảng 1m tính từ mặt đất để chống nấm bệnh xâm nhập. Thu gom lá, cành, quả bị bệnh và bọ xít muỗi gây hại không còn khả năng cho năng suất đem tiêu hủy hoặc xử lý bằng chế phẩm sinh học để tiêu diệt nguồn bệnh và sử dụng phân hữu cơ

Các biện pháp phòng, trừ

Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, có phương án xử lý kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, chú ý những khu vườn rậm rạp, xanh tốt hoặc vào thời điểm độ ẩm không khí cao. Có thể sử dụng biện pháp sinh học, phòng trừ bệnh Phytophthora spp bằng sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hoặc Pseudomonas để phòng trừ nấm Phytophthora spp ngay khi mới trồng và vào đầu mùa mưa để tăng cường khả năng kiểm soát nguồn nấm bệnh trong đất. Phòng trừ bọ xít muỗi, bằng cách khuyến khích nhân dân nuôi kiến đen Dolicoderus thoracicus hoặc kiến vàng Oecophylla smaragdina để kiểm soát bọ muỗi. Biện pháp hóa học, sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Phun phòng bệnh khi bệnh phát sinh và điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cho bệnh phát triển gây hại. Phun bọ xít muỗi có hiệu quả cao khi chúng còn non, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Theo Cục BVTV
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment