Nguyên nhân tôm nuôi chậm lớn...

Tại Việt Nam, những năm gần đây, hiện tượng tôm chậm lớn được ghi nhận ở nhiều ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, kể cả quảng canh cải tiến.

Thiệt hại lớn

Từ năm 2001 - 2002, tại Thái Lan đã thường xuyên xảy ra hiện tượng tôm chậm lớn mà các nhà khoa học sau này gọi là triệu chứng tôm chậm lớn. Kết quả phân tích từ 32 ao nuôi tôm có hiện tượng chậm lớn cho thấy, trong cùng thời gian, cùng quy trình nuôi, tôm bình thường trọng lượng khoảng 24 gram/con nhưng tôm chậm lớn chỉ tối đa 16,8 gram/con; theo đó ngành tôm Thái Lan tổn thất khoảng 13.000 tỷ bath (gần 300 tỷ USD). Triệu chứng này đồng thời được ghi nhận tại Trung Quốc, Ấn Độ...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, năm 2014, gia đình có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống mật độ 100 con/m2. 30 ngày đầu, tôm vẫn ăn và phát triển bình thường nhưng sau đó ăn giảm, tôm bị ốp thân nên đến 70 ngày tuổi mà chỉ đạt trọng lượng 200 con/kg. Sau 4 tháng nuôi, năng suất tôm chỉ đạt gần 5 tấn/ha, cỡ tôm 110 con/kg, trong khi các ao tôm phát triển bình thường chỉ cần 90 ngày đã đạt cỡ 40 - 60 con/kg, sản lượng hơn 10 tấn/ha.

Tôm chậm lớn gây thiệt hại cho người nuôi - Ảnh: Máy Cày

Đâu là nguyên nhân?

Trong những tác nhân gây hiện tượng tôm chậm lớn, yếu tố được nhận định cần phải chú trọng kiểm soát đầu tiên là chất lượng tôm giống. Để tránh hiện tượng tôm chậm lớn, cần phải kiểm dịch con giống trước khi mua về thả nuôi, nhằm tránh tình trạng con giống bị nhiễm bệnh còi do MBV (Monodon Baculovirus), HPV (Hepatopancreatic parvovirus), bệnh vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) hoặc Hội chứng chậm lớn trên tôm sú LSNV (Laem singh virus). 

Bệnh vi bào tử trùng EHP được phát hiện ở Thái Lan từ năm 2006 nhưng chưa được quan tâm nhiều. Tại nhiều nước nuôi tôm lớn đang có mầm bệnh EHP. Triệu chứng EHP trên tôm thẻ chân trắng không rõ ràng. Khi tôm giống bị nhiễm EHP thả nuôi trong tháng đầu tiên vẫn phát triển bình thường, nhưng sau khi đạt trọng lượng 3 - 4 gram/con, lượng sinh khối tôm trong ao tăng dần thì tôm cũng chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày có thể chỉ đạt 4 - 5 gram/con (200 - 250 con/kg). Bệnh LSNV xuất hiện tại Ấn Độ, Thái Lan từ năm 2001 - 2002, có khả năng lây lan nhanh, rộng và gây hiện tượng tôm chậm lớn. Tôm sú bị chậm lớn do LSNV, nếu không phân biệt kỹ, có thể nhầm với tôm bị nhiễm còi do nhiễm HPV và MBV. Nhưng tôm nhiễm LSNV có màu sậm bất thường, tăng trưởng bình quân chỉ dưới 0,1 g/ngày, khớp bụng có dạng đốt tre, râu dễ gãy. Điều này có thể giải thích cho những trường hợp tôm nuôi có hiện tượng chậm lớn nhưng khi xét nghiệm tôm bệnh lại dương tính với MBV.

Sức đề kháng của tôm giảm là nguyên nhân tiếp theo làm cho tôm nuôi chậm lớn, dù ao tôm được quản lý đúng kỹ thuật. Nguyên nhân có thể do cơ sở sản xuất sử dụng tôm giống bố mẹ không đạt chất lượng, lạm dụng quá mức sức sinh sản tôm mẹ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng chất kháng sinh liên tục ở liều cao trong sản xuất, ương gièo để điều trị bệnh nhiễm khuẩn của tôm giống đã làm giảm sức kháng bệnh của tôm khi đưa vào nuôi, giảm khả năng chuyển hóa thức ăn, dẫn tới tình trạng tôm chậm lớn, còi cọc, làm tăng hệ số sử dụng thức ăn, tăng chi phí. Do đó, việc chọn giống tại nơi sản xuất có uy tín, kiểm soát chất lượng giống trước khi nuôi là quan trọng.

Trong quá trình nuôi, tôm bị các bệnh do vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn dạng sợi, bệnh đóng rong, bệnh phân trắng... cũng làm tôm nuôi bị chết rải rác hay chậm lớn. Mầm bệnh từ nguồn nước, tôm giống, thức ăn, từ đáy ao, nếu tẩy dọn chưa tốt. Bệnh thường gặp ở ao thả nuôi mật độ dày, hàm lượng chất hữu cơ cao, việc kiểm soát các yếu tố thủy lý hóa môi trường ao nuôi không tốt, khí độc nhiều. Để phòng ngừa, cần chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật ngay từ đầu, không thả nuôi mật độ quá cao, không dùng thức ăn bị mốc. Trong quá trình nuôi cần quản lý chặt các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và dùng hóa chất diệt khuẩn, nhất là thời điểm nắng nóng hay mưa kéo dài. Tăng sức đề kháng cho tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E, Beta-Glucan.

Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn kém chất lượng, bảo quản không tốt hay tôm thiếu thức ăn làm cho tôm không hấp thu đủ chất dinh dưỡng để tạo cơ thịt lắp đầy vỏ, hay môi trường nước ao xấu làm phát sinh các khí độc..., cũng khiến tôm giảm ăn, bỏ ăn hoặc làm cho tôm nuôi bị ốp, chậm lớn. Để hạn chế tình trạng này, cần chọn loại thức ăn tốt, bảo quản đúng kỹ thuật, tính toán lại lượng thức ăn cho phù hợp và bổ sung premix vào thức ăn. Đồng thời cần kiểm tra lại các yếu tố thủy lý hóa môi trường ao nuôi và có biện pháp điều chỉnh các thông số môi trường về mức phù hợp. 

Thành Công/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment