Hạn chế bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trong vụ mùa

Đại đa số các giống lúa thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đang gieo cấy phổ biến hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc (không mang gen kháng vi khuẩn bạc lá).


Do vậy, khi phát triển các giống lúa này trong điều kiện vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc nước ta thì hầu hết bị nhiễm bạc lá vi khuẩn, gây tổn hại không nhỏ đến năng suất và chất lượng lúa mùa.

Bệnh bạc lá lúa là do các chủng vi khuẩn Xanthomonas gây nên. Do vậy, nếu cây lúa đã bị nhiễm bệnh thì khó chữa khỏi. Môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào cây lúa do 2 nguyên nhân chính: Nội tại cây lúa (thân lá mềm, mỏng, dễ bị xây xát, rách tướp) và điều kiện ngoại cảnh (có mưa dông, bão lũ làm xây xát, rách lá). Vì vậy, muốn hạn chế một cách tối đa vi khuẩn bạc lá lúa thì việc bón phân cân đối sao cho nội tại cây lúa không thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập là cần thiết. Xin chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Ngay từ đầu vụ, để cây lúa không bị ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn giữa vụ do gốc rạ phân hủy cần bón 15 - 20 kg vôi tả/sào. Làm đất phải đủ ngấu để cây lúa không bị nghẹt rễ giai đoạn còn non.

Nên sử dụng chủ yếu các loại phân hỗn hợp (NPK) để bón, nhất là các loại phân có hàm lượng kali cao. Dùng các loại phân đơn (đạm urê, supe lân, kali), nếu bón với tỷ lệ không hợp lý, nhất là thời kỳ đẻ nhánh và sau đẻ nhánh rộ, thừa đạm, lúa sẽ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn bạc lá rất cao do lá lúa mỏng, dễ bị rách nát vì va đập.

Với các loại phân này cần bón lót đủ, thúc đẻ sớm và tập trung, đón đòng đúng thời điểm. Cụ thể, cần bón đúng liều lượng và bón theo hướng dẫn của từng loại (căn cứ vào các quy trình bón của mỗi công ty). Dùng NPK để bón thúc đòng nên chọn hình thức bón đón đòng (bón lúa đứng cái) chứ không nên bón nuôi đòng (lúa cứt gián). Trong quá trình sản xuất, các loại phân bón này được ép nén thành viên nên khả năng hòa tan, phân giải chậm hơn phân đơn. 

Đối với những hộ có trình độ thâm canh cao thì có thể áp dụng cách bón như sau:

- Bón lót: Dùng NPK 5:10:3 (25 - 30 kg/sào) bón vùi phân vào đất khoảng 5 - 6 cm (lúc cày bừa lần cuối) hoặc 5 kg phân DAP.

- Thúc đẻ sớm: Bón khoảng 3 - 3,5 kg đạm urê + 2 kg kali/sào (vào lúc cây lúa có khoảng 3,5 - 4 lá thật, lúa bắt đầu đẻ đối với gieo thẳng và cấy mạ sân, hoặc lúa bén rễ hồi xanh đối với lúa cấy mạ dược).

- Thúc đòng: Dùng 2 - 3 kg kali/sào (nếu lúa vàng lá gừng thì cần bón thêm 0,7- 1 kg đạm urê).

* Chú ý: Cần ưu tiên bón kali cao cho các giống hay bị nhiễm bạc lá. Các chân ruộng thuộc loại bùn hẩu cần giảm đạm, tăng kali cho cây cứng, lá dày, đỡ bị bạc lá cuối vụ.

Ngoài việc bón phân cân đối như trên, các chân vàn và vàn cao cần điều tiết nước hợp lý cho lúa phát triển thuận lợi như tháo cạn nước để mùn giun đùn lên khi cây lúa sắp bước vào quá trình đẻ nhánh. Duy trì mức nước 3 - 5 cm đến khi lúa đẻ được từ 300-350 dảnh/m2, rút cạn nước để nẻ nứt chân chim giúp cây lúa cứng, khỏe, bộ rễ ăn sâu, chống đổ tốt khi gặp giông bão vụ mùa. Khi lúa bắt đầu có cứt gián (lúa làm đòng), đưa nước lại ruộng và duy trì mức nước 4 - 6 cm đến lúc lúa trổ thoát và chắc hạt. Khi lúa đỏ đuôi, tháo kiệt nước đến lúc gặt.

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng và theo dõi tình hình phát sinh, phát triển của các loài sâu bệnh để phòng trừ kịp thời. Phòng ngừa bệnh bạc lá vi khuẩn cần theo dõi các chương trình dự báo thời tiết diễn biến trong các ngày tới, tiến hành phun thuốc phòng bệnh bằng các loại thuốc như: Thysan, Antracol, Xanthomic, nước vôi trong trước hoặc sau các trận mưa dông, gió bão. Đồng thời, ưu tiên phát triển nhiều trà lúa mùa sớm, nhất là các giống lúa chất lượng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để né được bệnh bạc lá do vi khuẩn gây nên, góp phần giải phóng đất được sớm để phát triển các cây rau màu vụ đông trên các chân ruộng trong cơ cấu luân canh 3 - 4 vụ/năm.

KS. Trần Thị Liên(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment