Kỹ thuật nuôi hàu

Trong nuôi hàu, việc chọn vị trí nuôi rất quan trọng, quyết định thắng lợi của việc nuôi. Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20-30, pH thích hợp 7,5-8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng. Nên tránh những khu vực có nhánh sông đổ ra trực tiếp. Bãi nuôi hàu phải bảo đảm độ ngập nước cho hàu khi con nước ròng. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại, tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Ảnh minh hoạ.

Mỗi năm có 2 vụ lấy giống. Vụ chính từ tháng 4-5 (tháng 3-4 âm lịch), vụ phụ từ tháng 9-10 (tháng 8-9 âm lịch). Phương pháp lấy giống có hiệu quả cần dựa vào một số tiêu chí như mùa vụ xuất hiện của con giống.

Các yếu tố của môi trường: Nhiệt độ của nước 20-300C, độ mặn của nước 20-30, pH 7,5-8,5; mật độ ấu trùng bám của hàu nhiều nhằm chọn thời điểm thả vật bám cho phù hợp. Tiêu chuẩn của vật bám lấy giống là phải sạch, không mùi vị, không độc, có độ cứng và độ ráp nhất định để hàu dễ bám. Vật bám có thể là vỏ hàu (kích cỡ 5x10cm), tấm phibro ximăng (20x30cm hoặc 20x40cm), vỏ lốp xe (15x25cm), gạch ống, ngói.

Nuôi thương phẩm có 3 hình thức: Nuôi giàn, nuôi bè và nuôi lồng. Nuôi giàn có kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp nhưng chất lượng hàu không cao. Nuôi bè dễ quản lý, dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư cao hơn nuôi giàn. Nuôi lồng tốc độ tăng trưởng của hàu nhanh, cho năng suất cao nhưng chi phí đầu tư cao nhất so với các hình thức khác.

Quản lý chăm sóc: Nếu điều kiện môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm… có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời. Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như oxy thấp, pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc… cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra. Thường xuyên tiêu diệt các động vật ăn hàu như loài ốc tim gà, ốc ngọc, ốc gai, ốc đỏ; các loài giáp xác như cua còng, cáy và thu các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản (tháng 7-9). Định kỳ vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn cọ rửa trên hàu để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật bám. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh.

Theo Bản tin Khuyến nông Quảng Ninh
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment