Xử lý bệnh vàng lá nghẹt rễ lúa

Để chủ động phòng trừ tốt bệnh vàng lá nghẹt rễ, bà con cần chú ý một số nội dụng sau:

Nên dùng mạ khay để cấy giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, thời tiết vụ mùa 2014 diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng kết hợp với những đợt mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhất là bệnh vàng lúa nghẹt rễ sinh lý trên cây lúa.

Để chủ động phòng trừ tốt bệnh vàng lá nghẹt rễ, bà con cần chú ý một số nội dụng sau:

1. Triệu chứng

Khi bệnh mới phát sinh thì lá lúa vàng, đỉnh lá đỏ khô. Bệnh nặng thì nhiều lá phía trên bị vàng sau đó cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít. Bộ rễ bị thối đen hoặc rễ mới không phát sinh, tốc độ sinh trưởng chậm.

Bệnh phát triển trên các ruộng trũng hẩu, thậm chí cả các ruộng cạn nước. Tuy nhiên không có khả năng lây lan, đây là bệnh sinh lý.

2. Nguyên nhân

Do không bón hoặc bón ít phân hữu cơ (phân chuồng), bón phân không cần đối (bón nhiều đạm, không bón kali hoặc bón ít kali) dẫn đến các tính chất lý, hóa tính, cấu tượng đất bị thay đổi gây trở ngại cho việc trao đổi khí trong đất của cây.

Do thời vụ cấy gấp nên gốc rạ chưa phân hủy hết.

Do đất ruộng lúa bị thiếu oxy kéo dài với nhiều nguyên nhân khác nhau (ruộng trũng hẩu có tình trạng yếm khí, đất tích tụ nhiều khí độc, ngộ độc hữu cơ, đất úng hoặc quá chặt…).

3. Khắc phục

Khi ruộng chưa bị bệnh vàng lá sinh lý thì ta phòng bằng cách như sau:

- Trước hết cần chú ý đến “nhất thì, nhì thục”, trong đó “thì” là thời tiết, thời vụ và “thục” là làm đất. Do đó yếu tố đầu tiên là cần chủ động thu hoạch lúa đã chín từ vụ trước để tranh thủ thời vụ, làm đất kịp thời.

- Ngay khi thu hoạch lúa từ vụ xuân cần làm đất cày bừa kỹ bón thêm vôi hoặc dùng các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh trước khi cấy để cải tạo độ chua, thúc đẩy các chất hữu cơ chưa hoai phân giải nhanh ngay từ đầu, kết hợp bón thêm 10 - 15 kg vôi bột/sào giúp gốc rạ nhanh phân hủy, hạn chế bệnh vàng lá sinh lý phát sinh gây hại sau này

- Không bón phân hữu cơ chưa hoai mục, không để gốc rạ dài cho các chân ruộng trũng và những ruộng bị bệnh vàng lá hại nặng vụ trước.

- Nếu ruộng bón đủ lượng phân (nhất là phân đạm) thì không bón thêm (dẫn đến thừa đạm) ngay cả khi ruộng lúa chậm phát triển.

- Nên cấy nông tay (ở các ruộng chân vàn nên cấy ngửa tay, sâu khoảng 2 - 2,5 cm), dùng mạ xúc, mạ khay để cấy giúp cho rễ lúa được cung cấp thêm oxy từ không khí, hạn chế được sâu bệnh phát sinh, cây đẻ nhánh sớm, tập trung, đẻ khỏe và sinh trưởng phát triển tốt.

- Bón phân cân đối, nhất là phân đạm, lân, kali.

* Với ruộng đã cấy khi thấy lúa mắc bệnh:

- Khi cây lúa bị vàng lá nghẹt rễ thì không nên bón thêm đạm hoặc phun thuốc BVTV.

- Cần tiến hành tháo nước bón thêm 10 - 15 kg vôi bột + 10 - 15 kg phân lân/sào kết hợp làm cỏ, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cho cây lúa.

- Sau khi bón vôi, lân cây đã bén rễ, dần phục hồi trở lại thì cần bổ sung các phân bón qua lá (Đầu Trâu, Komic…) giúp cây phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.

KS Trần Quang Hào (Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất, Hà Nội)/ nongnghiep.vn
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment