Quy trình sinh sản ốc nhồi giống

Nguồn ốc nhồi tự nhiên đang đến mức báo động do môi trường sống bị ô nhiễm và khai thác quá mức. Để phục vụ nuôi ốc nhồi thương phẩm chủ yếu dựa vào nguồn giống từ sinh sản nhân tạo.

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi phải có bờ bằng đất, bờ ao thoáng, không rậm rạp, cao hơn mức nước cao nhất trong ao 0,5 m, độ sâu mức nước trong ao 0,5 - 1 m. Chất lượng nước tốt, không ô nhiễm, pH 6,5 - 8, hàm lượng ôxy > 1mg/l.

Ao được tháo cạn, cào sạch bùn, cày, bừa, phơi đáy. Tạo độ dốc về phía cống, tu sửa cống. Làm hàng rào lưới ngăn ốc trong khu vực nuôi, để tránh ốc bò ra ngoài và sinh vật khác xâm nhập hại ốc. Diệt tạp và ngăn ngừa sinh vật khác vào ao hại ốc. Để tạo mùn bã hữu cơ làm nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc, trước khi thả ốc nên bón rơm, dạ băm nhỏ khắp đáy ao với liều lượng 10 - 15 kg/100m2  và phân chuồng đã được ủ hoai với vôi bột, liều lượng 7 - 10 kg/100 m2. Bón trước khi thả ốc 7 - 10 ngày (khi thấy nước ao sủi bọt thì thả ốc).

Nước cấp vào ao phải được lọc qua lưới để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Thả bèo lục bình làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 1/4 diện tích ao nuôi. Làm khung ngăn bèo không để bèo phát triển lan ra quá diện tích cần thả bèo.

Chọn ốc bố mẹ

Ốc bố mẹ được chọn là những con to ( > 30 g/con), màu sắc sáng, không đóng rong rêu, tỷ lệ đực : cái là 1:1. Đến mùa sinh sản, ốc cái nhìn qua lớp vỏ ngoài của vòng xoắn thứ 3, thứ 4 tính từ đỉnh vỏ xuống ta có thể nhìn thấy buồng trứng màu vàng rất rõ nhất là ở những con cái đã thành thục. Ốc đực có tháp vỏ (đỉnh vỏ) nhọn hơn ốc cái.

Chăm sóc ốc bố mẹ

Mỗi ngày cho ốc ăn 1 lần vào buổi chiều. Thức ăn gồm hai loại: Thức ăn xanh là các loại lá cây không đắng, không độc như lá sắn, lá dọc mùng, bèo, các loại rau (rau muống, mùng tơi, rau ngót, rau bắp cải,…). Thức ăn xanh để nguyên cả lá, bèo để nguyên cả cây rắc quanh bờ ao. Thức ăn tinh là các loại ngũ cốc (bột đậu tương, cám gạo, bột sắn). Lượng thức ăn tinh mỗi ngày cho ăn 0,5 - 1% lượng ốc trong ao.

Ốc đẻ trứng trên bờ ao vì vậy phải dọn sạch bờ ao, không để cây cỏ rậm rạp, nhưng cũng không quá trơ trụi mà phải có cây cỏ thưa vì ốc có tập tính làm tổ dấu trứng dưới các cây cỏ.

Ốc giống được nuôi sau 3 tháng có thể cho thu hoạch - Ảnh: Gia Bảo

Thu và ấp trứng

Trứng ốc nhồi sau khi được đẻ ra trong thời gian rất ngắn (15 - 20 phút) là trứng đã cứng ta phải tiến hành thu ngay. Thu các chùm trứng cho vào khay nhựa, không để chồng các chùm trứng lên nhau, cũng không để quá sát vào nhau sẽ làm dập trứng.

Ấp trứng có thể ấp vào khay nhựa, đặt khay nhựa chứa trứng trên mặt nước trong bể xi măng, mỗi ngày phun nước cho trứng một lần để giữ độ ẩm cho trứng. Thời gian ấp từ 13 - 20 ngày trứng ốc sẽ nở ra ốc con, tùy thuộc vào nhiệt độ, nhiệt độ thích hợp để ấp nở là 25 - 300C. Căn cứ vào thời gian đưa trứng vào ấp và màu sắc của chùm trứng ta có thể biết được trứng sắp nở để chuẩn bị ao (bể), thức ăn ương nuôi ốc con lên ốc giống. Trứng ốc mới đẻ ra có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu xám, khi trứng sắp nở trứng có màu xám đen, sờ vào chùm trứng ta thấy mềm nhũn, nhìn qua lớp vỏ trứng ta thấy rõ được cả ốc con đang vận động trong lớp vỏ.

Ốc con sau khi nở ra đã có hình dáng giống với ốc trưởng thành. Ốc con mới nở ra đã có khả năng vận động mạnh, bò tìm nơi có nước và tìm vật bám. Ốc con dễ dàng bò ra khỏi khay ấp xuống bể xi măng, ta có thể ương nuôi ốc con lên ốc giống ngay trong bể ấp.Ta cũng có thể ấp trứng trong giai mắc trong ao đất, chú ý phải che giai tránh để ánh nắng trực tiếp chiếu vào trứng, cũng không để trứng bị nước mưa vào sẽ làm ung trứng. Để giữ độ ẩm cho trứng nên dải một lớp rễ bèo tây lên trên trứng (rễ bèo tây phải được khử trùng bằng thuốc tím KMnO4).

Ương nuôi ốc con lên ốc giống

Có thể ương trong bể xi măng hoặc ương trong giai mắc trong ao đất đều cho tỷ lệ sống cao.

Ương trong bể xi măng: Diện tích bể không nên quá to vì ốc ương nuôi được ở mật độ cao, bể nhỏ dễ chăm sóc quản lý hơn (bể nên có hình chữ nhật, diện tích 2 - 4 m2). Bể trước khi ương phải được dọn sạch, khử trùng bằng thuốc tím KMnO4. Nếu là bể mới phải ngâm thời gian ít nhất là 20 ngày trước khi sử dụng. Nước lấy vào bể ương là nước ao hay nước giếng khoan đều được.

Ương trong giai (Giai được mắc trong ao): Giai ương bằng lưới cước dày như giai ương tôm giống, cá giống đảm bảo thức ăn và ốc con không lọt ra ngoài, diện tích giai không nên quá rộng để dễ làm vệ sinh thường từ 2 - 4 m2 là vừa. Mực nước trong bể ương không cần quá sâu, chỉ cần 30 - 50 cm. Mật độ thả 5.000 con/m2. Thả bèo ván làm vật bám cho ốc (thả 1/3 diện tích nuôi).

Thức ăn và chế độ chăm sóc

Ốc con mới nở ra đã có tính ăn như ốc trưởng thành, có thể sử dụng các loại thức ăn như sau: Thức ăn xanh là lá sắn, bèo (bèo tấm, bèo ván ), lá mùng trắng. Thức ăn tinh là cám gạo, bột đậu tương, bột cá nhạt, bột ngô, bột sắn, phối trộn theo tỷ lệ (30% cám gạo, 50% bột đậu tương, 30% bột sắn).

Đối với thức ăn xanh không nên thái nhỏ mà để cả lá, bèo thì để nguyên cả cây, để ốc con dễ bám vào ăn và hạn chế làm bẩn nước. Thức ăn tinh dải trên mặt nước không cần nấu chín (trừ bột đậu tương là phải rang chín trước khi nghiền thành bột). Ốc nghiêng về thức ăn thực vật hơn nên cho ốc ăn thức ăn xanh là chính, thức ăn tinh chỉ cho ăn thêm với lượng 1 - 1,5% trọng lượng ốc.

Kiểm tra lượng thức ăn cho ăn hàng ngày xem thừa hay thiếu. Ở trong bể xi măng cũng như trong giai đều rất dễ kiểm tra, quan sát có thể thấy được lượng thức ăn thừa trong bể (giai) để giảm lượng thức ăn, vớt bỏ các cọng thức ăn xanh thừa, cứng ốc không ăn hết.

Chế độ thay nước

Ốc ương nuôi trong bể nếu cho ăn hợp lý hàng ngày không thừa thức ăn tinh thì mỗi tuần chỉ thay nước 1 - 2 lần. Mỗi lần thay toàn bộ lượng nước trong bể. Đối với ốc nuôi trong giai thì mỗi tuần vệ sinh xung quanh giai và vệ sinh đáy giai 2 lần bằng cách dùng bàn chải có cán dài cọ xung quanh giai và cọ đáy giai sau đó té nước để loại bỏ bớt chất trải (phân ốc, thức ăn thừa, nhớt do ốc thải ra). Cả vụ ương nuôi không cần phải thay nước ao lần nào trừ khi có sự cố đặc biệt.

Thu hoạch ốc

Nếu ương nuôi tốt thì 20 ngày là có thể đưa ra ao để nuôi thành ốc thịt hay xuất bán ốc giống. Với ốc ương trong giai không cần phải tháo nước ao mà chỉ cần dồn ốc vào góc giai rồi dùng vợt mềm súc ốc hoặc cũng có thể mở các nút giai đưa cả giai ốc lên bờ rồi nhặt ốc giống. Đối với ốc ương nuôi trong bể thì cùng vợt vớt ốc sau đó tháo cạn nước bể và nhặt những con còn lại.

Tỷ lệ sống của ốc ương nuôi trong giai cũng như trong bể đều rất cao trên 80%. Cỡ ốc giống 0,4 - 0,5g/con.

Lưu ý

Vào mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ xuống dưới 100C ốc sẽ chết, vì vậy cần phải có biện pháp trú đông cho ốc. Biện pháp trú đông cho ốc có hiệu quả nhất là đào bể ngầm, dưới mặt đất. Diện tích mỗi bể 2 - 4 m2, độ sâu của bể 0,6 m. Miệng bể làm cao hơn mặt đất 10 cm và được đậy bằng nắp tôn để ngăn gió, mưa và các động vật (chuột, rắn, chim, cò, ếch nhái,…) vào bể hại ốc. Khi đưa ốc vào trú đông cũng như đưa ốc ra ao sau thời gian trú đông, các thao tác phải nhẹ nhàng, tránh làm cho ốc long ruột, dập, sứt vỏ. Mật độ trú đông cho ốc là 250 con/m2 đối với ốc bố mẹ và 2.500 con/m2 đối với ốc giống. Trong thời gian trú đông không cần cho ốc ăn, chỉ cần giữ ẩm cho ốc, 5 - 7 ngày tưới nước vào bể ốc 1 lần (chỉ tưới cho ẩm, không tưới quá nhiều). Bằng phương pháp trú đông này, tỷ lệ sống của ốc đạt trên 70%

Ốc sống được rất lâu ngoài môi trường nước nên việc thu hoạch, vận chuyển cũng dễ dàng hơ. Trong quá trình thu hoạch cũng như vận chuyển chỉ cần chú ý giữ ẩm và tránh va chạm mạnh làm dập vỏ, long ruột ốc là ổn.

Nguyễn Nhung/ Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Share on Google Plus

About Tin tức nông nghiệp

Trang chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Thông tin được cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau. Bà con nên tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng. Chúc bà con luôn được mùa!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment